Cấu trúc Mắt_bão

Mô hình tiết diện của một xoáy thuận nhiệt đới trưởng thành, với các mũi tên thể hiện dòng thổi khí bên trong hoặc xung quanh mắt.

Mắt của một xoáy thuận nhiệt đới điển hình có bề rộng vào khoảng 30–65 km (20-40 dặm), với vị trí thường nằm tại trung tâm của cơn bão [nb 1]. Mắt có thể rõ nét hoặc có những đốm mây thấp (mắt sắc nét), hay có thể bị che mờ bởi những đám mây tầng thấp hoặc trung (mắt bị che mờ), hoặc là bị che khuất hoàn toàn bởi khối mây trung tâm dày đặc. Tuy nhiên trong mắt mưa và gió là rất ít, đặc biệt ở gần chính tâm. Đây là một sự tương phản trái ngược với những gì xảy ra trong thành mắt bão, nơi chứa đựng những cơn gió mạnh nhất của một cơn bão.[3] Bởi những cơ chế của một xoáy thuận nhiệt đới, nhiệt độ của mắt và không khí trực tiếp bên trên nó là ấm hơn xung quanh.[4]

Dù thường khá đối xứng, mắt bão cũng có thể có hình dạng thuôn dài hoặc bất thường, đặc biệt là ở những cơn bão yếu. Một con mắt rách rưới lớn là một con mắt không tròn và rời rạc, nó là dấu hiệu của một xoáy thuận nhiệt đới yếu hoặc đang suy yếu. Một con mắt "hở" là con mắt mà mặc dù có thể tròn, nhưng thành mắt bão của nó không bao bọc hoàn toàn xung quanh, và đây cũng là dấu hiệu của một xoáy thuận đang suy yếu với tính chất bị tước đi lượng ẩm. Cả hai đặc điểm quan trắc trên đều được sử dụng để ước tính cường độ của xoáy thuận nhiệt đới thông qua những phân tích Dvorak.[5] Cũng như mắt bão, những thành mắt bão điển hình có diện mạo tròn, dù vậy đôi khi chúng cũng có thể có hình dạng là những đa giác khác nhau, từ tam giác cho đến lục giác.[6]

Trong khi những cơn bão trưởng thành điển hình có những con mắt có đường kính vào khoảng vài chục dặm, thì những cơn bão tăng cường nhanh chóng có thể phát triển nên một con mắt cực nhỏ, tròn và sắc nét, đôi khi được gọi là mắt lỗ kim. Những cơn bão với mắt lỗ kim dễ bị biến động lớn về cường độ, dẫn đến những khó khăn và thất bại cho các nhà dự báo khí tượng.[7]

Những mắt bão có đường kính nhỏ hơn 10 hải lý (19 km, 12 dặm) thường dễ kích hoạt nên chu trình thay thế thành mắt bão, trong đó một thành mắt bão mới dần hình thành phía ngoài thành mắt bão ban đầu. Điều này có thể xảy ra ở bất kỳ đâu trong phạm vi từ 15 cho đến vài trăm km (10 đến vài trăm dặm) phía ngoài mắt. Tiếp đó cơn bão sẽ phát triển ra hai thành mắt bão đồng tâm, hay là "mắt bên trong mắt". Trong hầu hết các trường hợp, thành mắt bão phía ngoài sẽ bắt đầu trở nên co lại không lâu sau khi hình thành, làm triệt tiêu con mắt bên trong, dẫn đến một mắt bão lớn hơn nhưng ổn định hơn. Trong khi chu trình này có xu hướng làm suy yếu cơn bão khi nó diễn ra, thành mắt bão mới có thể thu hẹp khá nhanh sau khi thành mắt bão cũ biến mất, điều này cho phép cơn bão tăng cường trở lại. Sau đó một thời gian, một chu trình thay thế thành mắt bão khác lại có thể tiếp tục.[8]

Mắt bão có nhiều kích cỡ khác nhau, với bề rộng (đường kính) có thể lớn đến 320 km (200 dặm) (bão Carmen) hay chỉ nhỏ tầm 3 km (1,9 dặm) (bão Wilma).[9] Thường thì những cơn bão rất mạnh không sở hữu một con mắt rộng, dù vậy điều này vẫn có thể xảy ra, đặc biệt với những cơn bão hình khuyên. Bão Isabel là cơn bão Đại Tây Dương mạnh thứ 11 từng được ghi nhận trong lịch sử, và nó đã duy trì một con mắt lớn, bề rộng từ 65–80 km (40-50 dặm) trong quãng thời gian vài ngày.[10]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mắt_bão http://www.atl.ec.gc.ca/weather/hurricane/hurrican... http://ams.confex.com/ams/pdfpapers/108319.pdf http://adsabs.harvard.edu/abs/1998WtFor..13..172V http://adsabs.harvard.edu/abs/1999JAtS...56.1197S http://adsabs.harvard.edu/abs/1999MWRv..127..137L http://www1.nasa.gov/vision/earth/environment/ozon... http://www.aoml.noaa.gov/hrd/tcfaq/A11.html http://www.aoml.noaa.gov/hrd/tcfaq/A7.html http://www.aoml.noaa.gov/hrd/tcfaq/A9.html http://www.aoml.noaa.gov/hrd/tcfaq/D8.html